Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

SHOPPER MARKETING

SHOPPER MARKETING – CẠNH TRANH TẠI ĐIỂM BÁN HÀNG
Chiến lược shopper marketing (tiếp thị đến người mua hàng) nếu thực hiện đúng, sẽ giảm bớt gánh nặng cho quảng cáo, bởi có tác động trực tiếp đến thời điểm ra quyết định của khách hàng.
Không dừng ở điểm bán
Theo các chuyên gia, shopper marketing dường như rất phù hợp trong thời điểm kinh tế khó khăn và rất được các nhà bán lẻ ưa chuộng. Shopper không nhất thiết là người tiêu dùng. Họ gồm nhiều đối tượng khác nhau, mua sắm tại nhiều điểm khác nhau. Họ tìm hiểu và quyết định mua hàng tại nhà nhưng lại cân nhắc tại điểm bán rồi cuối cùng mới quyết định mua hàng hay không.
Một người mua hàng tuỳ mục đích mua sắm nên cũng có những hành vi khác nhau. Có những khách hàng mỗi tuần đi siêu thị một vài lần nên sẽ mua dự trữ. Nhưng cũng có những người đi mua cùng gia đình và họ coi việc đi siêu thị cũng như thư giãn, giải trí.
Bên cạnh đó, còn có nhóm khách hàng mua nhanh tại cửa hàng. Những hoạt động marketing dựa vào sự thấu hiểu về hành vi của người mua hàng để xây dựng thương hiệu, kết nối với shopper (người mua hàng) và làm cho người mua quyết định mua hàng.
Bà Phạm Nguyễn Yến Nhi, chuyên gia của Trung tâm Tư vấn và Đào tạo bán hàng LSA, cho biết, shoppers thường có 6 xu hướng:
Thứ nhất, mua hàng dựa vào giá trị sản phẩm, bao gồm chất lượng, giá cả và sự yêu thích thương hiệu.
Thứ hai, chú ý đến giá cả khi quyết định mua hàng (giá rẻ, chọn mua sản phẩm có khuyến mãi).
Thứ ba, cần trợ giúp để chọn sản phẩm phù hợp nhất, nhanh chóng nhất để tiết kiệm thời gian.
Thứ tư, cần giải pháp nhanh chóng, tiện lợi và cả giải pháp sản phẩm. Thứ năm, lượn lờ trước khi mua. Và cuối cùng là nhóm khách hàng hướng đến những trải nghiệm mua sắm. Với nhóm khách hàng này, họ quan tâm đến không gian, dịch vụ, sản phẩm...
Hiện nay, shopper marketing không những đánh mạnh vào các hoạt động tại điểm bán hàng mà còn tập trung vào cách bài trí sản phẩm trên kệ sao cho vị trí của nó thích hợp và tạo được sự thích thú nơi người mua.
Bởi, các nghiên cứu về marketing gần đây cho thấy, 70% quyết định mua hàng được đưa ra trong cửa hàng, 68% việc mua sắm trong cửa hàng dựa trên sự thôi thúc, 5% là do sự trung thành với thương hiệu. Vì vậy, cách trưng bày hàng hóa, hình ảnh, ánh sáng, video, vật dụng trang trí... giúp khách hàng nhận diện thương hiệu một cách hiệu quả nhất.
Vùng miền và xu hướng mua sắm mới
30% người tiêu dùng không định hình nhãn hiệu khi mua hàng; 20% số người định hình nhãn hàng nhưng sẵn sàng đổi sang hàng khác. Vì vậy, dù quảng cáo cỡ nào cũng chỉ có thể giành được 50% thị phần.
Trước thực tế này, doanh nghiệp phải có chiến lược marketing shopper như thế nào? Theo các chuyên gia bán hàng, doanh nghiệp phải xác định ai là người đi mua mà đưa ra chiến lược phù hợp. Ở từng kênh bán lẻ (truyền thống và hiện đại) phải có chiến lược khác nhau.
Thậm chí, những vùng miền hay ngành hàng khác nhau cũng xây dựng chiến lược marketing khác nhau. Bà Nhi cho biết, ở miền Bắc, tâm lý thích sành điệu nên hàng có giá cao luôn được ưa chuộng. Người mua hàng ở miền Bắc có tính trung thành cao, khi đã chọn thương hiệu hiệu nào thì "đồng hành" cùng tương hiệu đó.
Ngược lại, người miền Nam thích thay đổi và quan tâm đến yếu tố giá rẻ nên doanh nghiệp dễ thâm nhập thị trường nếu có chiến lược quảng bá, tiếp thị, bán hàng tốt. Ở kênh bán hàng hiện đại cũng thế.
Khách hàng của Co.opmart rất trung thành với thương hiệu này nên họ thường mua hàng ở những kệ chính hơn là tìm hàng ở các "đảo khuyến mãi". Trong khi đó, chiến lược của Big C là "hàng giá rẻ” nên khách hàng của nhà bán lẻ này thường săn hàng khuyến mãi hơn là tìm hàng ở các kệ chính.
Cũng theo bà Nhi, hiện nay, có đến 70% người mua thích mua ở kênh truyền thống như chợ, tiệm tạp hóa. Siêu thị được đại đa số khách hàng xem là nơi thư giãn. Cũng nên chú ý sản xuất những sản phẩm phù hợp với việc vận chuyển bằng xe gắn máy.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có thể giành chiến thắng tại điểm mua hàng bằng cách phát huy tối đa cơ hội để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm. Trong đó, việc sản xuất sản phẩm làm sao để có thể vừa thoả mãn chiến lược cho từng kênh (chợ, cửa hàng, siêu thị...), vừa không quá nhiều để tiện cho việc quản lý.
Có thể tạo vài thiết kế, đóng gói khác biệt cho từng kênh, từng khách hàng riêng biệt. Chẳng hạn như các loại bao bì lớn phù hợp với Metro, trong khi đó, bao bì nhỏ phù hợp với các siêu thị Big C, Co.opmart, Maximark...
Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng nên chú ý đến yếu tố dùng thử, yếu tố nghe nhìn, khuyến mãi... đồng thời với việc chọn vị trí bán hàng, trưng bày phù hợp với việc bán hàng và giảm giá.
Sơ đồ trưng bày cũng phải hợp lý, ưu tiên cho sản phẩm bán chạy hoặc sản phẩm chiến lược và sản phẩm mang lại lợi nhuận nhiều. Về quảng cáo, theo các chuyên gia, nên bám sát kế hoạch khuyến mãi của từng khách hàng. Có chiến lược khuyến mãi cho từng nhóm khác nhau, phù hợp với nhu cầu của shopper và phù hợp với định vị sản phẩm bán.
Theo ông Phạm Trọng Chinh, Trưởng Phòng Đào tạo phát triển khách hàng Công ty Unilever Việt Nam, để bán được hàng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là đội ngũ bán hàng. Cho dù doanh nghiệp xây dựng chiến lược marketing tốt cỡ nào nhưng đội ngũ bán hàng không tốt cũng sẽ khó thành công. Làm sao để nhân viên thấy được ưu thế tại điểm bán hàng.
Theo DNSG
Kích bán hàng bằng shopper marketing?
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, shopper marketing (tiếp thị người mua hàng) đang là giải pháp giúp các DN tăng doanh số bán hàng. Để tìm hiểu kỹ hơn về phương thức tiếp thị này, ĐTTC có cuộc trao đổi với ông Triệu Tôn Phong, sáng lập viên kiêm Chủ tịch MSV Group, một công ty có gần 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực marketing tại Việt Nam.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, khái niệm shopper marketing nên được hiểu như thế nào?
Ông TRIỆU TÔN PHONG: - Shopper marketing là hoạt động truyền thông nhắm đến người đi mua hàng tại điểm bán và ngoài điểm bán. Đây là sự thay đổi về quan niệm chứ không phải thay đổi về kỹ thuật truyền thông.
Có một sự ngộ nhận lớn khi quan niệm rằng người tiêu dùng và người mua sắm là một. Để người tiêu dùng trở thành người mua, họ phải trải qua vai trò người đi mua sắm và đôi khi người mua hàng chứ chưa phải người sử dụng. Sẽ là sai lầm nếu nhà quản trị tiếp thị chỉ cố gắng tìm hiểu mong đợi tiềm ẩn của người tiêu dùng mà bỏ sót mong đợi của người đi mua hàng.
Vì sao shopper marketing còn khá lạ lẫm với nhiều DN Việt Nam? Vào năm 2007, khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu nổ ra, DN không bán được hàng. Khi ấy, các nhà chiến lược marketing trên thế giới, đặc biệt Hoa Kỳ, mới bắt đầu mổ xẻ và nhìn lại vấn đề. Người ta nhận ra từ trước đến nay có quan niệm sai lầm về tiếp thị khi chỉ tập trung vào người tiêu dùng, trong khi nhân tố quyết định mua hàng lại đến từ người đi mua sắm.
Từ đó shopper marketing bắt đầu được chào đón nhiệt thành. Như vậy, hình thức tiếp thị này mới trải qua một khoảng thời gian chưa lâu. Trong khi đó, Việt Nam thường đi sau các nước trên thế giới nên khái niệm này vẫn còn mới mẻ với nhiều DN.
- Vậy theo ông DN Việt Nam đã “chạm tay” đến shopper marketing?
- Tiếp thị là để giải quyết mục tiêu bán hàng, nên không quan trọng là tiếp thị truyền thống, tiếp thị số hay tiếp thị đến người đi mua hàng… Phân tích sâu vào vấn đề này, chúng ta thấy lâu nay các DN chi nhiều tiền cho các đơn vị bán lẻ, mong họ ưu ái dành cho một không gian rộng hơn trên quầy kệ.
Chính vì thế, để tự cứu mình, các DN tự xây dựng đội ngũ sứ giả thương hiệu, tư vấn tiêu dùng, promotion girls (PG)… để những người này đứng ở siêu thị, tiệm sữa, quán bia… thuyết phục người đi mua hàng. Điều này phần nào cho thấy DN đã bắt đầu “chạm tay" vào shopper marketing.
Theo ông, DN trong lĩnh vực nào phù hợp với hình thức tiếp thị này? Vấn đề chi phí cho shopper marketing ra sao?
- Tất cả DN đều có thể áp dụng shopper marketing, nhưng có một điều là shopper marketing không thể tách rời, mà nó phải là sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà sản xuất (hay thương hiệu) và nhà bán lẻ để phục vụ tốt nhất cho người mua hàng.
Nói đến marketing là nói đến sự sáng tạo không ngừng, đặc biệt shopper marketing sự sáng tạo lại càng lớn. Hiểu được mong đợi của người đi mua hàng là hết sức quan trọng. Đây cũng chính là chìa khóa thành công trong bán hàng. Còn vấn đề chi phí, có thể thấy chi phí dành cho shopper marketing không lớn.
Như tôi đã nói, mô hình shopper marketing mới xuất hiện gần đây, khoảng chừng năm 2007 - thời kỳ hậu internet, do vậy khi nói đến shopper marketing không thể không nói đến digital marketing (tiếp thị số) và nếu khéo kết hợp, chi phí sẽ không cao vì ai cũng hiểu tiếp thị số là hình thức tiếp thị có chi phí thấp nhất, thậm chí có những trường hợp chi phí bằng 0.
- Như ông nói, kinh tế khó khăn giúp shopper marketing được đón nhận nồng nhiệt. Vậy giả sử kinh tế vẫn phát triển tốt thì khái niệm này có xuất hiện không?
- Shopper marketing xuất hiện trong thời đại của tiếp thị trực tuyến, con người đang sống trong môi trường của công nghệ nên dù kinh tế tốt hơn shopper marketing vẫn cứ xuất hiện. Đây là sự điều chỉnh trong nhận thức của các nhà tiếp thị.
Tất cả các vấn đề cơ bản của tiếp thị đều không sai, khách hàng mục tiêu, phân khúc tiêu dùng, định vị… không sai, nhưng những hoạt động truyền thông hiện nay gần như thay đổi khá nhiều. Trên thế giới, ngân sách dành cho shopper marketing mỗi năm tăng khoảng 21%; có tới 73% nhãn hàng nhận thấy thực hiện shopper marketing là khoản đầu tư hiệu quả và 86% nhà bán lẻ đồng ý điều này; 55% công ty cho biết sẽ tăng ngân sách shopper marketing trong 3 năm tới…
Có thể nói tiếp thị người đi mua hàng là xu hướng mới của tiếp thị. Hãy thay đổi quan điểm tiếp thị ngay từ bây giờ để mỗi đồng chi phí DN bỏ ra đều phát huy hiệu quả tốt nhất.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Đầu tư Tài chính – SGGP


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét